Cách nuôi cá bảy màu, mún, bình tích, betta con mới đẻ, nhanh lớn

Cách nuôi cá bảy màu, mún, bình tích, betta con
Bạn đang có một bầy cá con trong bể và không biết làm sao để nuôi chúng một cách tốt nhất? Hoặc là cá của bạn chuẩn bị đẻ/ cá con sắp nở và bạn muốn chuẩn bị thật tốt để nuôi chúng.

Nuôi cá con khá dễ nhưng để chúng có thể phát triển nhanh và có tỉ lệ sống sót cao thì không phải là công việc đơn giản. Bạn không thể cứ bỏ mặc chúng và hy vọng chúng lớn lên tự nhiên.

Các yếu tố mà bạn cần để ý để có thể cho cá con cơ hội và khả năng sống tốt nhất là:

Không gian nuôi cá

Điều kiện nước

Thức ăn nuôi cá

Bạn phải cung cấp cho cá con một không gian đủ lớn, an toàn, cho chúng điều kiện nước hoàn hảo và cung cấp thức ăn đầy đủ dinh dưỡng.

Trong bài viết này mình sẽ hướng dẫn bạn chi tiết hơn các bước để chăm sóc cho cá con.

Tách riêng cá con

Cách nuôi cá bảy màu, mún, bình tích, betta con
Sau khi cá con được nở hoặc khi cá mẹ mới đẻ con thì đây là thời điểm nguy hiểm nhất. Chúng vẫn còn rất yếu, chưa phát triển đủ để có thể hoàn toàn trốn được các con cá khác.

Tách cá con ra một bể riêng có thể giúp cho cá phát triển to và nhanh hơn, vì chúng sẽ ít bị cạnh tranh thức ăn và sống thoải mái hơn.

Ban đầu khi cá con còn nhỏ thì bạn nên nuôi chúng trong bể bé thay vì bể quá to để tránh việc cá phải bơi quá nhiều để kiếm thức ăn.

Bạn có thể đầu tư một lồng nuôi cá con để đặt vào trong bể chính, thêm vào trong đó một ít rêu để tạo môi trường sống tốt cho cá, giúp bạn không cần phải tách riêng cá con ra bể riêng. Ngoài ra, việc nuôi cá con trong bể chính cũng giúp bạn có nguồn nước sạch, ổn định và không cần phải dọn dẹp bể quá nhiều.

Khi cá con lớn hơn và bơi nhanh hơn, bạn nên cho chúng ra bể riêng lớn hơn để có không gian bơi lội.

Đảm bảo chất lượng nước tốt

Cá con sẽ khá nhạy cảm với nước và không thể khỏe như cá trưởng thành được. Đó là lý do tại sao bạn cần phải giữ cho nước luôn sạch và không có các loại chất độc hại như ammonia và nitrite.

Cá con cũng có sức đề kháng yếu, dễ chết và dễ mắc các bệnh khác nhau như bệnh do nấm, vi khuẩn hoặc kí sinh gây ra.

Trong bể riêng nuôi cá con, tốt nhất là bạn nên sử dụng bộ lọc vi sinh – bộ lọc bao gồm sủi, vật liệu lọc và mút lọc. Bộ lọc tốt là rất quan trọng, nhưng đồng thời bạn cũng cần phải tránh sử dụng các loại lọc có dòng chảy quá mạnh hoặc đầu hút quá to, có thể hút cá con vào bên trong.

Để cá con lớn khỏe, bạn cũng cần phải cho cá con ăn nhiều, do đó bạn cũng cần phải thay nước bể nuôi cá con nhiều hơn. Bạn cũng cần phải tránh thay nước cho cá quá nhiều, vì làm vậy có thể thay đổi thông số nước quá nhiều và có thể làm cá bị stress nếu không cẩn thận. Lượng nước tối ưu trong khoảng thời gian đầu là 10% lượng nước bể sau mỗi 2-3 ngày.

Nếu bạn muốn hút thức ăn thừa dưới đáy bể, bạn có thể chuẩn bị một ống hút nước và buộc vào một chiếc đũa. Sau đó bạn hút cho nước chảy xuống một cái chậu đặt bên ngoài, sau đó di chuyển thanh đũa để hút các cặn bẩn ở bên dưới đáy bể.

Cho cá con ăn gì?

Khi bạn chăm sóc cá con, cách cho cá ăn sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quyết định đến tốc độ lớn và tỉ lệ sống của cá con.

1. Trùng cỏ (1-7 ngày tuổi)

Cá con mới đẻ rất nhỏ, và bạn không thể cho chúng ăn thức ăn quá lớn được. Trùng cỏ là loại thức ăn phù hợp nhất cho cá con trong khoảng thời gian này. Bạn có thể tự tạo trùng cỏ bằng sữa, vỏ chuối hoặc rau nếu muốn. Nếu không có điều kiện làm thì bạn có thể cho cá con ăn lòng đỏ trứng hòa vào nước trong khoảng thời gian này.

  • Cách tạo như sau:
  • Sử dụng một chậu hoặc bể nước tầm 5-10 lít
  • Đổ đầy nước từ bể cá, cho thêm vài lát dưa chuột, rau, vỏ chuối tùy bạn chọn
  • Để chậu nước ở nơi thoáng mát, ấm, tránh ánh sáng quá mạnh.
  • Chờ tầm 4 ngày thì nước sẽ bắt đầu xuất hiện trùng cỏ, bạn có thể đợi cho rau phân hủy và chìm xuống đáy để có thể hút hoặc vớt trùng cỏ ra cho cá ăn.

Cá con cần được cho ăn bằng trùng cỏ trong một tuần đầu tiên. Sau đó, bạn có thể chuyển sang các loại thức ăn lớn hơn. Loại thức ăn mình thích dùng nhất và có thể cung cấp đầy đủ chất cũng như kích thích cá con phát triển là artemia.

2. Artemia (7-21 ngày tuổi)

Artemia đông lạnh hoặc mới ấp nở là loại thức ăn hoàn hảo cho cá con, bởi chúng cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho cá. Bạn có thể cho cá ăn loại thức ăn này cho đến tuần thứ 3. Tại các nơi nuôi cá chuyên nghiệp, họ cũng sử dụng artemia ấp nở làm thức ăn cho cá con.

Bạn có thể tự ấp nở artemia bằng trứng artemia và bộ ấp trứng. Nếu không có điều kiện ấp nở, bạn có thể sử dụng artemia đông lạnh hoặc artemia sấy khô nếu muốn.

3. Các loại đồ ăn đông lạnh hoặc tươi sống khác (kể từ ngày 21)

Bạn có thể cho cá ăn artemia ấp nở hoặc đông lạnh trong vòng 3 tuần đầu tiên. Sau đó, khi cá đã đủ lớn, bạn có thể bắt đầu cho cá ăn các loại đồ ăn tươi sống khác như trùn chỉ hoặc bo bo tươi/ đông lạnh.

Có vô số loại đồ ăn đông lạnh hoặc tươi sống để bạn chọn như trùn chỉ, trùn huyết, bo bo, artemia, trùn trắng,… Dù bạn cho cá ăn loại thức ăn nào thì bạn cần phải đảm bảo thức ăn được mua từ nguồn uy tín và có chất lượng tốt, vì thức ăn sống chất lượng kém rất dễ gây bệnh cho cá.

4. Thức ăn khô (từ tuần 8)

Kể từ tuần thứ 8, bạn có thể bắt đầu cho cá ăn thức ăn khô. Bạn vẫn có thể tiếp tục cho cá ăn thức ăn tươi sống kết hợp với thức ăn khô nếu muốn. Khi lựa chọn thức ăn chế biến sẵn, bạn vẫn cần phải mua loại chất lượng tốt từ nguồn uy tín để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho cá con.

Bạn có cần cho cá ăn xen kẽ các loại thức ăn khác nhau không?

Nếu bạn đọc bên trên, mình đã đề xuất mỗi loại thức ăn khác nhau khi cá ở mỗi độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên, bạn không bắt buộc phải làm vậy, đó chỉ là đề xuất của mình. Nhiều người nuôi cá chỉ cho cá con ăn một loại thức ăn từ khi chúng mới sinh cho đến khi chúng trưởng thành.

Tuy nhiên, cho cá ăn kết hợp ít nhất hai loại thức ăn khác nhau vẫn tốt hơn. Làm vậy có thể giúp cá tránh bị thiếu chất và có đủ protein, carb, vitamin cá con cần.

Bạn cần lưu ý cho cá ăn loại thức ăn vừa đủ miệng chúng, nếu bạn định sử dụng thức ăn khô thì bạn cần phải nghiền mịn chúng trước khi cho cá con ăn.

Loại thức ăn tốt nhất và được nhiều người sử dụng nhất đó chính là artemia con ấp nở. Bạn có thể sử dụng loại thức ăn này để nuôi cá con từ khi chúng mới sinh đến khi cá trưởng thành nếu muốn.

Cách cho cá con ăn

Cá con sẽ có miệng và dạ dày nhỏ, giống như em bé vậy nên bạn cũng cần phải cho cá con ăn nhiều lần trong ngày. Tốt nhất là 5 lần một ngày hoặc nhiều hơn.

Bạn cần cho thức ăn vào bể vài tiếng một lần. Bạn không cần cho cá ăn theo thời gian chính xác định và có thể chọn khung giờ nào cũng được.

Mỗi lần cho ăn, bạn nên cho cá ăn ít, vừa đủ để cá con có thể ăn hết trong vòng 5 phút hoặc ít hơn. Cho cá ăn quá nhiều có thể khiến cá con ăn không hết và làm bẩn nước.

Bạn có thể cho cá ăn nhiều hơn một chút nếu bể nuôi cá con có hệ thống lọc tốt và được thay nước thường xuyên.

Nếu phát hiện có thức ăn thừa còn sót lại dưới đáy bể, bạn cần vớt hoặc hút ra để tránh cho nấm mốc và rêu hại phát triển.

Cá con mới đẻ có cần oxy không?

Cá con mới đẻ có thể sống sót nếu không có sủi oxy, đặc biệt là các loài cá sống khỏe như là cá mún và cá bảy màu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên thêm sủi oxy cho bể để giúp đảm bảo nước có lượng oxy dồi dào cho cá phát triển. Hơn nữa, sủi oxy còn giúp cho rêu và tảo phát triển tốt hơn, tạo nguồn thức ăn cho cá con.

Cá con mới đẻ bị chết

Đầu tiên, bạn có lọc cho cá con không? Lọc nước không chỉ có tác dụng làm sạch nước mà còn giúp cung cấp oxy cho cá. Hệ vi sinh có trong lọc cũng giúp xử lý được các chất có hại trong bể như là ammonia và nitrite tích tụ.

Cá con mới đẻ thường bị chết do hai nguyên nhân chính đó là do ammonia hoặc do thức ăn. Nếu cá đã phát triển khá lớn, tầm 2cm và chúng bị chết dần dần thì có lẽ là do nguồn thức ăn bạn cho cá không đủ.

Còn nếu cá chết khi chúng còn nhỏ thì có thể là do chất lượng nước. Có thể là bạn thay nước quá ít, không sử dụng lọc và cho cá ăn quá nhiều, gia tăng lượng thức ăn thừa và gây ra ammonia tích tụ. Cách giải quyết là thay 30% lượng nước bể bằng nước ở bể chính và lắp thêm lọc, hút cặn, phân và chất thải từ đáy bể và tiếp tục quan sát.

Kết lại

Hy vọng rằng qua bài viết này bạn đã biết cách để chăm sóc cho cá con một cách tốt nhất.

Để cá con có thể phát triển khỏe mạnh và có tỉ lệ sống sót cao, bạn phải luôn giữ cho nước sạch, an toàn và cung cấp cho cá thức ăn chất lượng tốt.

Tuy nhiên, thỉnh thoảng có thể xảy ra vài vấn đề, cá con có thể chết mà không rõ nguyên nhân, thì có lẽ là một trong những yếu tố mình đã nêu trên đã có vấn đề gì đó.

Bạn hãy nghĩ lại xem có gì sai với nguồn thức ăn, chất lượng nước hay cá có bị stress vì nguyên nhân gì không và đưa ra biện pháp giải quyết phù hợp.

Bài viết liên quan