Kỹ thuật nuôi Cá trê phi – Kỹ thuật sinh sản nhân tạo cá trê – Phần 2

Đẻ trứng và thụ tinh

Cá đẻ trứng và thụ tinh tự nhiên

Sau khi kích thích cá bằng kích dục tố, ta sắp xếp cá theo tỷ lệ đực:cái là 1:1 vào bể đẻ có độ sâu nước từ 20 – 40 cm.

Bể đẻ nên có diện tích từ 2 – 20 m2 và sẽ được trang bị một giá thể là gạch đối với cá Trê phi và xơ dừa hoặc xơ nilon cho cá Trê vàng. Cần bố trí một tấm lưới dưới đáy bể để hứng những trứng rơi rớt không bám trên giá thể.

Mật độ cá thả vào bể là 5 cặp cá bố mẹ trên mỗi m2.

Sau khi cá sinh sản xong, ta tiến hành vớt giá thể có trứng bám vào đem sang bể ấp.

Thụ tinh nhân tạo

Cần tách cá cái và cá đực bố mẹ trong hai bể khác nhau theo tỷ lệ 3 – 5 cá cái cho mỗi cá đực.

Sau khi kích thích cá bằng kích dục tố, ta cần xác định chính xác thời điểm rụng trứng của cá cái để tiến hành vuốt trứng và thụ tinh nhân tạo.

Vì cá đực rất khó vuốt lấy tinh dịch, do đó cần mổ bụng cá đực để lấy tinh sào.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Khăn, dao hay kéo để mổ bụng cá đực lấy tinh sào.
  • Thau nhỏ để chứa trứng, chén để chứa tinh sào cá đực.
  • Nước muối sinh lý hay dịch truyền.
  • Giá thể để rắc trứng nên làm bằng khung lưới.

Tiến hành thụ tinh nhân tạo

Ta tiến hành mổ cá đực lấy tinh sào ngay trước thời điểm cá rụng trứng.

Sau đó, vuốt trứng cá cái vào thau cần lau khô và sạch thau trước khi chứa trứng.

Trước khi vuốt trứng, cần lau tay và thân cá khô ráo để tránh nước rơi vào thau trứng.

Sử dụng kéo để cắt nhỏ tinh sào, sau đó vắt lấy phần tinh dịch.

Kế tiếp, pha loãng tinh dịch bằng 10 ml nước muối sinh lý.

Trộn lẫn tinh dịch vào thau trứng, dùng lông gia cầm (lông vịt) khuấy đều trong một phút để trứng và tinh dịch hòa lẩn vào nhau.

Nếu thấy đặc quá, ta cần thêm nước muối sinh để gia tăng sự tiếp xúc với trứng của tinh trùng do tinh trùng vận động tốt hơn trong môi trường nước.

Sau đó, rửa trứng bằng nước sạch.

Rắc đều trứng lên khung lưới được bố trí sẳn trong bể ấp, tránh rắc quá dày trứng để tránh bị hư.

Ấp trứng

Dụng cụ ấp có thể là bể xi măng, composite hay bể lót bằng bạt nilon.

Diện tích bể từ 1 – 20 m2.

Độ sâu mực nước từ 20 – 60 cm.

Mật độ ấp từ 20,000 – 30,000 trứng trên mỗi m2.

Trứng cá phải ngập trong nước.

Cần cung cấp nước mới liên tục và oxy đầy đủ, nhất là ở thời điểm trước và sau khi nở để đảm bảo oxy từ 5 – 6 mg/lít.

Độ pH nước dao động từ 6.5 – 7.5.

Nhiệt độ nước bể ấp từ 25 – 33°C, nhưng tối ưu là từ 28 – 30°C.

Vấn đề quan trọng nhất khi ấp trứng là môi trường nước phải sạch, không được để nước hư thối ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi cá.

Trong quá trình ấp, không được để ánh nắng trực tiếp chiếu vào và nhiệt độ nước phải ổn định không chênh lệch quá 20°C.

Thời gian phôi phát triển đến khi nở thành cá bột là 20 giờ ở cá Trê phi và 22 – 23 giờ ở cá Trê vàng.

Sau khi cá nở, tiến hành vớt giá thể ra.

Cần thao tác nhẹ nhàng để tách trứng ung ra khỏi bể, nhằm giúp bể ướng sạch hơn và tăng tỷ lệ sống của cá bột.

Tiếp tục giữ cá ở bể ấp từ 2 – 3 ngày, sau đó chuyển sang giai đoạn ướng cá giống.

Có thể sử dụng tiếp bể ấp làm bể ướng cá bột hoặc vớt sang ao hoặc bể ướng khác.

Lúc này, cá bột đã có thể ăn được thức ăn bên ngoài.

Ương cá giống

Ương trực tiếp cá bột thành cá giống thì mật độ ương từ 500 – 1,000 con trên mỗi m2.

Có thể chia quá trình ương làm hai giai đoạn, thì mật độ ương cao hơn 5,000 – 10,000 con trên mỗi m2. Giai đoạn từ cá bột lên cá hương dài khoảng 15 – 20 ngày, từ cá hương lên cá giống cỡ 5 – 10 cm mất khoảng 10 – 20 ngày. Tổng thời gian ương từ 30 – 45 ngày.

Ương trong bể xi măng, bể lót bạt nilon

Diện tích bể: 2 – 20 m2.

Độ sâu mực nước: 40 – 60 cm.

Mật độ ương: 5,000 – 10,000 con trên mỗi m2.

Sau đó, san thưa ra nhiều bể khi cá lớn.

Trong quá trình ương, cần duy trì mực nước ổn định, mỗi ngày cần thay 1/3 lượng nước trong bể ương.

Giai đoạn đầu, nên cho cá ăn thức ăn tinh và tươi sống như moina (trứng nước) hay lòng đỏ trứng luộc chín.

Mỗi lần cho ăn, dùng 1 lòng đỏ trứng cho 10,000 con cá bột.

Mỗi ngày cho ăn từ 3 – 4 lần.

Sau 4 – 5 ngày, dùng thức ăn tổng hợp để thay thế dần lòng đỏ trứng.

Hai loại thức ăn này nên cho ăn xen kẻ mỗi ngày hai lần.

Với thức ăn chế biến, cần điều chỉnh lượng thức ăn sao cho khoảng 1 – 2 giờ thì cá ăn hết là được.

Thức ăn chế biến có thể sử dụng thức ăn công nghiệp hoặc tự chế biến theo công thức sau:

  • Bột cá: 60%.
  • Bột đậu nành: 10%.
  • Cám gạo: 25%.
  • Bột mì: 5%.
  • Vitamin C và khoáng vi lượng (premix).

Các thành phần trên được trộn đều và ép thành viên để cho cá ăn.

Thức ăn thừa cần loại bỏ để hạn chế ô nhiễm môi trường nước bể ương và phát triển vi khuẩn có hại cho sức khỏe của cá.

Thường xuyên cọ rữa vệ sinh bể ương.

Theo dõi tình hình hoạt động của cá hàng ngày.

Ương cá trong giai

Giai được đặt nơi có nguồn nước sạch như ao, kinh, mương.

Diện tích giai nhỏ hay lớn đều được.

Nên dùng lưới có mắt nhỏ hơn kích thước cá bột và khi cá lớn có thể dùng giai có mắt lưới thưa hơn nhưng đảm bảo cá không thóat qua được.

Mật độ ương trong giai từ 2,000 – 3,000 con trên mỗi m2.

Quản lý và chăm sóc như ương trên bể, đồng thời cần cọ rữa giai để nước được thông thoáng, kết hợp kiểm tra độ an toàn của giai nhằm tránh sự thất thoát cá trong quá trình ương.

Ương cá Trê trong ao đất

Ao ương có diện tích từ 100 – 500 m2.

Độ sâu mực nước từ 1 – 1.2 m.

Đáy ao phẳng và đào một rãnh nhỏ rộng 1 m có độ sâu 20 – 30 cm nghiêng về phía cống thoát nước.

Phía trước cữa cống đào một hố rộng 1 – 2 m, sâu 40 – 50 cm để tập trung cá khi thu hoạch.

Cần cải tạo ao kỹ trước khi thả cá bột.

Sửa chữa bờ bóng cho chắc chắn, lấp hết các hang hốc, lổ mọi.

Bón 10 – 15 kg vôi trên 100 m2 để sát trùng ao, tiêu diệt địch hại và mầm bệnh trong ao.

Bón phân chuồng đã ủ hoai 15 – 20 kg hoặc 250 g phân vô cơ (NPK, DAP) trên 100 m2 để cung cấp nguồn thức ăn tự nhiên ban đầu cho cá bột là động vật phù du.

Mật độ ương dao động từ 1,000 – 2,000 con trên mỗi m2.

Thức ăn sử dụng như cách ương trên bể hay trong giai.

Thời gian đầu, cần pha loãng thức ăn tạt đều khắp ao. Khi cá lớn, nên dùng sàn để cho cá ăn, giúp quan sát cá dễ hơn và kiểm soát được lượng thức ăn.

Trong quá trình ương, cần thay nước định kỳ.

Cần chú ý vấn đề dịch bệnh và phòng trừ địch hại như cá dữ, chim, rận nước.

Sau 30 – 45 ngày, khi cá giống đạt kích cỡ 10 – 12 cm, ta chuyển cá sang nuôi thịt.

Khi đánh bắt và thu hoạch cá giống, cần thao tác nhẹ nhàng, dùng dụng cụ trơn nhẵn, mắt lưới vợt không quá thô ráp để tránh cá bị xây xát.

Nếu cá giống vận chuyển đi xa, cần giữ trên giai và không cho ăn một ngày trước khi vận chuyển.

Bài viết liên quan