Lựa chọn tư thế cho trẻ bú đúng cách là một trong những yếu tố quan trọng khi nuôi con bằng sữa mẹ. Tư thế cho bé bú đúng cách giúp bé bú mẹ dễ dàng hơn, tránh tình trạng nôn trớ sau khi bú và hấp thu tối đa các chất dinh dưỡng quý giá có trong sữa mẹ.
TÓM TẮT
Tư thế cho trẻ bú đúng cần đảm bảo những gì?
Trước khi tìm hiểu về các tư thế cho trẻ bú đúng cách, mẹ cần hiểu rằng có nhiều tư thế khác nhau nhưng cần đảm bảo cả mẹ và bé cảm thấy thoải mái nhất và trẻ được bú nhiều sữa nhất. Điều quan trọng cần lưu ý bao gồm:
Bạn đang xem: Tư thế cho trẻ bú đúng cách: Mẹ và bé cùng thoải mái và dễ dàng
- Phần đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng.
- Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.
- Mặt trẻ quay vào vú mẹ, mũi trẻ đối diện với núm vú.
- Với trẻ sơ sinh, mẹ cần đỡ đầu và mông trẻ.
6 tư thế cho trẻ bú đúng cách, không lo sặc sữa
Tư thế ngồi
Các mẹ cần lưu ý chọn chỗ ngồi có điểm tựa thoải mái bởi mỗi cữ bú kéo dài từ 15-30 phút. Dưới đây là một số tư thế ngồi cho con bú đúng cách mà các mẹ có thể tham khảo:
Tư thế ôm nôi
Đây là tư thế đơn giản và dễ thực hiện. Với tư thế này, mẹ cần thực hiện các động tác sau:
- Bế em bé lên bằng hai tay và ngồi xuống ghế hoặc giường, tìm vị trí ngồi có điểm tựa vững chắc.
- Đặt thân và đầu của bé nằm trên một đường thẳng.
- Bụng của mẹ và bé áp sát với nhau.
- Mặt bé ở vị trí đối diện với núm vú.
Với tư thế ôm nôi, mẹ ngồi vững chắc và bế trẻ nằm ôm vào lòng, hai tay tạo thành vòng cung ôm lấy trẻ. Mẹ có thể cho bé bú bên bầu ngực nào thì dùng tay cùng phía đó để đỡ bé. Tay dùng để đỡ trẻ là tay cùng phía với bầu ngực trẻ đang bú.
Mẹ cần đảm bảo ba điểm: Tai – vai – hông bé nằm trên một đường thẳng, bé nằm nghiêng mình đối diện với bầu ngực của mẹ sao cho bụng bé chạm bụng mẹ, mặt của bé chạm ngực mẹ. Khi đã ổn định ở tư thế này mẹ bắt đầu cho trẻ bú. Trường hợp trẻ bú yếu, các mẹ có thể dùng tay còn lại để giữ phần đầu của bé hoặc cố định đầu ti để không bị trượt ra khỏi miệng trẻ.
Bên cạnh những tư thế trên, mẹ có thể cho con bú theo tư thế ôm nôi – cánh tay phía đối diện. Tư thế này giống với tư thế ở trên nhưng cánh tay đỡ trẻ là cánh tay ngược lại với bầu vú bé đang bú. Đây là tư thế phù hợp với mẹ chỉ thuận một tay, giúp bé bú được cả hai bầu vú mà vẫn giữ bé được an toàn.
Lưu ý: Nhiều mẹ cho bé nằm tư thế ngửa mà chỉ có đầu nghiêng về phía ngực mẹ, điều này là sai lầm bởi sẽ khiến bé cảm thấy không thoải mái khi bú mẹ và không tốt cho cổ của bé.
Tư thế ôm bóng
Tư thế ôm bóng khi cho trẻ bú phù hợp với các trường hợp sau:
- Mẹ sinh mổ nhưng vết thương chưa lành.
- Đầu ti của mẹ bị tụt vào sâu bên trong hoặc bị dẹt khiến bé khó khăn khi bú bằng các tư thế khác.
- Mẹ có bầu vú hoặc đầu ti quá lớn.
- Sữa mẹ chảy quá mạnh khi trẻ bú.
Tư thế ôm bóng cho phép mẹ nhìn rõ và kiểm soát đầu của con tốt hơn, hạn chế việc trẻ đè lên vùng vết mổ. Cách thực hiện như sau:
- Cho bé nằm bên phải hoặc bên trái cánh tay sao cho miệng của bé ở vị trí ngang tầm với đầu ti của mẹ.
- Dùng tay thuận nhất để đỡ phần đầu và gáy của em bé, tay còn lại giữ phần ngực và tiến hành cho bé bú.
Tư thế giữ Koala
Xem thêm : Hỏi đáp cùng bác sĩ phòng khám Hana
Với tư thế này, mẹ sẽ ngồi thẳng, đặt bé ngồi trên đầu gối, điều chỉnh ngực vừa tầm với miệng bé, dùng đầu gối làm điểm tựa và hai tay của mẹ sẽ giữ người bé. Tư thế này hỗ trợ khi người mẹ bị nhức mỏi tay, không thể dùng nhiều lực để giữ bé. Đây là tư thế mô phỏng theo cách gấu Koala cho con bú.
Tư thế ngồi tựa lưng cho con bú
Người mẹ nằm ngả lưng về phía sau (dựa lưng vào vách hoặc có gối kê) giữ nghiêng khoảng một góc 45 độ. Tiếp đó, đặt bé nằm trên bụng và tiếp xúc ngực mẹ để bú. Mẹ nhẹ nhàng đặt tay trên lưng hoặc đỡ nhẹ phía sau đầu của trẻ. Với tư thế cho con bú này, mẹ không cần phải dùng quá nhiều sức để giữ bé.
Tư thế nằm cho con bú
Tư thế nằm
Tư thế nằm cho bé bú áp dụng trong các trường hợp sau:
- Mẹ sau sinh vẫn chưa hồi phục, không có đủ sức khỏe để ngồi cho bé bú.
- Cho trẻ bú để trẻ ngủ.
- Sau mổ đẻ, nằm ngửa hoặc nằm nghiêng có thể giúp mẹ thoải mái hơn khi cho con bú. Với các mẹ sinh thường phải khâu tầng sinh môn thì nằm cho con bú cũng giúp mẹ không bị căng tức vùng khâu.
- Mẹ muốn tranh thủ nghỉ ngơi khi cho bé bú.
Kỹ thuật của tư thế nằm
- Người mẹ nằm nghiêng, dùng gối kê cao đùi và đầu gối.
- Đặt bé nằm theo tư thế nghiêng, quay đầu bé vào ngực mẹ.
- Điều chỉnh sao cho miệng bé đối diện với núm vú.
- Kê gối hoặc dùng tay đỡ đầu bé cao để tránh hiện tượng sặc sữa.
- Kéo người bé sát lại gần mẹ để bú.
- Mẹ dùng tay còn lại đỡ đầu hoặc ôm hông trẻ để con dễ bú hơn.
Tư thế nằm cho con bú được rất nhiều mẹ thực hiện bởi đây là tư thế bé sẽ ti được nhiều sữa. Mẹ và bé thường thấy thoải mái và dễ ngủ khi sử dụng tư thế này. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý để đảm bảo an toàn khi cho con bú và không ngủ quên khi bé còn bú.
Tư thế cho bé bú song sinh
Với các mẹ sinh đôi, tư thế cho bé bú song sinh là lựa chọn tốt nhất. Bé bú cùng lúc hai bên bầu sữa sẽ tận dụng hoàn toàn lượng sữa của mẹ. Tư thế cho bé bú song sinh như sau:
- Đặt hai bé song song hai bên hông của mẹ, hai chân bé để sau lưng mẹ, đầu bé hướng về trước, mặt áp vào đầu vú của mẹ.
- Mẹ có thể dùng gối chữ U kê bên dưới để tránh bị mỏi tay khi đỡ bé. Nhưng không nên đặt bé hoàn toàn xuống gối vì bé sẽ không bú được sữa.
- Điều chỉnh tư thế lần lượt từng bé, khi bé này ổn định thì tiếp tục bé còn lại. Mẹ nên thay đổi vị trí bú của hai bé để lượng sữa tiết ra đều nhau, đầu vú không bị chênh lệch và bảo vệ mắt bé hoạt động cân đối.
Kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú
Bên cạnh việc chọn tư thế cho con bú đúng, mẹ cũng cần giữ chặt bầu vú để đảm bảo con có thể bú được sữa nhiều nhất có thể. Các mẹ có thể tham khảo kỹ thuật giữ bầu vú khi cho trẻ bú như sau:
- Mẹ đặt 4 ngón tay áp vào thành ngực ở dưới vú
- Ngón tay trỏ nâng vú
- Ngón tay cái để ở phía trên
- Các ngón tay của mẹ không nên để quá gần núm vú và không nên khum lại như gọng kìm khi đỡ vú vì sẽ chặn dòng sữa chảy ra.
Nhận biết cách ngậm bắt vú đúng
Để biết con có đang ngậm vú đúng cách hay không, các mẹ có thể quan sát các dấu hiệu trẻ ngậm bắt vú đúng như sau:
- Miệng trẻ mở rộng, ngậm sâu quầng vú và cả các mô ở phía dưới vì các ống dẫn sữa lớn nằm trong các mô ở phía dưới quầng vú.
- Cằm chạm vào vú mẹ.
- Môi dưới của trẻ hướng ra ngoài.
- Quầng vú phía trên miệng trẻ nhiều hơn ở phía dưới.
- Lưỡi bé chìa ra ngoài, trên môi dưới và dưới núm vú.
- Trẻ ngậm bắt vú đúng thì miệng và lưỡi không cọ xát vào da vú và núm vú, không gây tổn thương vùng da và núm vú của mẹ.
Các dấu hiệu trên cho biết bé đang bú mẹ đúng cách và giúp bé bú sữa mẹ hiệu quả.
Dấu hiệu trẻ bắt vú sai
Để đảm bảo bé bú mẹ đúng cách, các mẹ cần quan sát và nhận biết dấu hiệu trẻ bắt vú sai như:
- Miệng bé không mở rộng ngậm cả mô vú phía dưới, môi bé mím vào.
- Lưỡi bé đặt sau nướu/lợi hàm dưới, không ép vào các ống dẫn sữa.
- Bé quấy khóc, bực bội.
Hậu quả của việc trẻ bắt vú sai
Nếu bé bú mẹ không đúng cách, có thể gây những hậu quả sau đây:
- Trẻ bú không đủ sữa, cảm giác đói và không tăng cân đúng tiêu chuẩn.
- Núm vú bị đau hoặc tổn thương.
- Vú bị tắc tia sữa hoặc ứ đọng sữa.
- Trẻ không bú hết sữa có thể dẫn đến cương tức vú.
- Trẻ quấy khóc, thường xuyên đòi bú và kéo dài thời gian bú.
Mẹo giúp mẹ nuôi con bằng sữa mẹ hiệu quả
Nhận biết tín hiệu đói của bé
Xem thêm : Có nên uống sữa đậu nành trong 3 tháng đầu thai kỳ?
Các mẹ cần chú ý quan sát, khi trẻ đói sẽ có một vài hành động như mút tay, ngoảnh đầu tìm kiếm bầu vú mẹ. Đặc biệt, khi thấy có vật chạm vào má, bé có thể ngay lập tức quay về phía đó, sẵn sàng để bú. Đây chính là phản xạ tìm kiếm.
Mẹ hãy cho bé bú khi thấy có dấu hiệu này. Nếu đợi đến khi bé khóc mới cho bú, sẽ khiến việc ngậm bắt vú đúng cách trở nên khó khăn hơn vì lúc này bé đang cáu gắt. Chỉ cần mẹ chú ý một chút là có thể nhanh chóng nhận biết tín hiệu đói của con để cho bú kịp thời.
Quan sát và tuân theo chỉ dẫn của bé
Khi cho con bú, các mẹ cần quan sát và tuân theo chỉ dẫn của bé. Mỗi trẻ có những thói quen riêng khi bú, mẹ cần nắm được để hiểu rõ bé hơn.
Thông thường, bé sẽ tự nhả vú mẹ khi đã bú no và sẽ ngủ luôn. Nếu bú hết sữa một bên mà vẫn chưa đủ, mẹ có thể chuyển sang bú bên kia.
Ôm trẻ sát người mẹ
Do bé còn xa lạ với thế giới bên ngoài, người mẹ cần ôm con thường xuyên, âu yếm và gần gũi con. Việc tiếp xúc da kề da với mẹ trong thời gian đầu sau sinh sẽ giúp bé ít khóc hơn, nhịp tim và nhịp thở đều đặn hơn. Đặc biệt, điều này còn góp phần tăng cường sự gắn bó giữa hai mẹ con.
Hạn chế sử dụng núm vú giả trong vài tuần đầu
Trong vài tuần đầu sau sinh, mẹ nên tránh cho bé sử dụng núm vú giả, bình sữa, sữa công thức trừ khi có chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp trẻ không bị nhầm lẫn giữa núm giả và núm thật trong thời gian học bú mẹ. Thực tế cho thấy, nhiều mẹ cho con bú bằng núm giả trong thời gian đầu sau sinh khiến trẻ đã quen với ti giả và sẽ rất khó để làm quen với ti mẹ.
Nắm được thời gian cần đánh thức bé
Những tuần đầu sau khi sinh, nếu trẻ ngủ quá 4 giờ kể từ thời điểm bắt đầu cữ bú trước thì mẹ cần đánh thức trẻ dậy. Có thể áp dụng một vài cách như: thay tã, cho bé tiếp xúc da kề da với mẹ, mát xa lưng, bụng và chân của bé.
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ khi mới chào đời và nuôi con bằng sữa mẹ đem lại nhiều lợi ích to lớn cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non trong vòng một giờ đầu sau sinh và được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến khi 24 tháng để có thể phát triển toàn diện nhất. Tuy nhiên, để quá trình nuôi con bằng sữa mẹ thành công, các mẹ cần nắm rõ các tư thế cho trẻ bú đúng cách, để con bú được nhiều sữa nhất.
Hy vọng rằng, với những thông tin đã chia sẻ trong bài viết, các mẹ đã có thêm kiến thức bổ ích để nuôi con bằng sữa mẹ một cách hoàn hảo và trọn vẹn. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cam kết mang lại sự hỗ trợ tốt nhất cho các bà mẹ khi sinh con. Mẹ bầu sinh con tại bệnh viện sẽ được da kề da với con và trẻ được bú mẹ trong vòng một giờ sau sinh. Bệnh viện cũng hướng tới mục tiêu trở thành bệnh viện Thực hiện Nuôi con bằng Sữa mẹ xuất sắc, khuyến khích mẹ nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Với sữa mẹ giàu dinh dưỡng và kháng thể của mẹ, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh về thể chất và trí tuệ.
(Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo và không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không nên tự ý mua thuốc điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.)
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác.
Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc – Đáng tin cậy và kinh nghiệm
Nguồn: https://muabimchocon.com
Danh mục: Tư Vấn