Cho trẻ ăn những thứ này, cha mẹ khỏi lo con thiếu máu thiếu sắt

Những loại thực phẩm như thịt đỏ, cá, hạt và rau xanh lá… là những nguồn giàu chất sắt mà bạn có thể cho trẻ ăn. Đặc biệt, trứng cũng là một lựa chọn tốt, bạn có thể cho trẻ ăn 3-4 quả trứng mỗi tuần.

Theo một cuộc điều tra dinh dưỡng toàn quốc năm 2019-2020 của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ trẻ em bị thiếu máu giảm nhẹ 19,6% trên toàn quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn cao nhất ở miền núi phía Bắc (23,4%) và Tây Nguyên (26,3%). Dữ liệu cũng cho thấy tỷ lệ thiếu máu ở trẻ em ở nhóm tuổi 5-9 và 10-14 cũng đáng bận tâm.

Thiếu máu thiếu sắt ở trẻ nhỏ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả thể chất và tinh thần của trẻ sau này. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra các tình trạng rối loạn tâm thần và vận động. Việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ đủ sắt rất quan trọng để tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện.

Điểm mặt các nguyên nhân khiến trẻ thiếu máu thiếu sắt

Chuyên gia dinh dưỡng, ThS. Phan Kim Dung cho biết có nhiều nguyên nhân gây thiếu máu thiếu sắt ở trẻ em. Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất là cung cấp sắt không đủ, như sự thiếu sữa mẹ, sử dụng sữa công thức không bổ sung sắt hoặc cho trẻ ăn bột không đủ nguồn gốc động vật.

Trẻ sinh non, thiếu cân khi sinh và trẻ sinh đôi cũng có nguy cơ thiếu sắt do lượng sắt được truyền qua tuần hoàn rau thai ít.

Hấp thu sắt kém cũng là một nguyên nhân khác. Trẻ bị tiêu chảy kéo dài, rối loạn hấp thu hay có dị dạng ở dạ dày ruột đều có thể dẫn đến thiếu sắt. Mất sắt mạn tính là một nguyên nhân khác, thường gặp trong trường hợp nhiễm giun móc, loét dạ dày-tá tràng, polyp ruột, chảy máu cam, kinh nguyệt (trẻ gái dậy thì)…

Ngoài ra, trong giai đoạn lớn nhanh, dậy thì, nhu cầu sắt của trẻ cao trong khi cung cấp lại không đủ cũng có thể dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.

Để điều trị, ThS. Phan Kim Dung khuyến cáo nên cho trẻ uống sắt và các chế phẩm chứa sắt theo hướng dẫn của bác sĩ. Cần điều chỉnh chế độ ăn thích hợp cho từng lứa tuổi, cho trẻ ăn bổ sung đúng lúc và đúng cách.

Đừng quên “ô vuông thức ăn” cho trẻ

  • Cha mẹ cần cho trẻ ăn theo nhu cầu khuyến nghị (tuổi, cân nặng, chiều cao, giới tính).
  • Ăn đa dạng các nhóm chất theo “ô vuông thức ăn” của trẻ.
  • Tăng cường thực phẩm giàu sắt trong thực đơn hàng ngày của trẻ.
  • Bổ sung các loại quả giàu vitamin C như nho, bưởi, cam, quýt, dâu tây… để tăng khả năng hấp thu sắt.

Image
Hình ảnh minh họa

Các nguồn thực phẩm giàu chất sắt

Đảm bảo cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho con trẻ là một điều mà cha mẹ luôn quan tâm. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách chọn thực phẩm sao cho hợp lý và giàu dinh dưỡng. ThS. Kim Dung gợi ý một số nguồn thực phẩm giàu chất sắt mà cha mẹ nên cho trẻ ăn, bao gồm: thịt đỏ và nội tạng, trứng, cá và động vật có vỏ, các loại hạt, các loại rau có lá xanh, ngũ cốc và sản phẩm từ ngũ cốc, đậu và các loại đậu.

Chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng, người bị thiếu máu do thiếu sắt có thể gặp các triệu chứng như mệt mỏi, khó tập trung, da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, chóng mặt, hoa mắt, nhức đầu, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh…

Cách phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt

Để phòng tránh bệnh thiếu máu do thiếu sắt, ThS. Phan Kim Dung khuyến nghị như sau:

  • Bổ sung sắt trong suốt thời kỳ mang thai. Đối với phụ nữ có thai, nên uống 60mg sắt/ngày và 400 µg axit folic trong suốt thời gian mang thai.
  • Sau khi sinh, tiếp tục bổ sung trong 3 tháng với liều tương tự như khi mang thai.
  • Cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa bổ sung sắt trong năm đầu đời, vì sắt trong sữa mẹ hấp thu tốt hơn sữa công thức.
  • Ứng dụng chế độ ăn cân đối giàu sắt và vitamin, bằng cách ăn thịt đỏ, hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, rau xanh… Kết hợp các loại thực phẩm khác nhau để có bữa ăn cân đối về dinh dưỡng và giá trị, đồng thời tăng khả năng hấp thu sắt bằng cách uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn giàu sắt.
  • Tránh uống trà, cà phê ngay sau khi ăn.
  • Chữa trị các bệnh nhiễm ký sinh, sốt rét, nhiễm trùng và bệnh lý khác.
  • Đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Theo Dương Hải

Bài viết liên quan