Khi nào là thời điểm tốt nhất để cho trẻ uống kẽm?

Rất nhiều cha mẹ đặt câu hỏi không biết khi nào là thời điểm tốt nhất để cho trẻ uống kẽm. Đúng cách và đủ lượng, việc bổ sung kẽm giúp trẻ phát triển toàn diện về cân nặng, vóc dáng và khung xương. Ngoài ra, việc biết rõ thời điểm nào trong ngày để bổ sung kẽm còn giúp trẻ tránh những tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.

Vai trò quan trọng của kẽm đối với sức khỏe trẻ

Kẽm là một khoáng chất quan trọng đóng vai trò then chốt trong việc hình thành sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Kẽm có mặt trong chế độ ăn uống hàng ngày của chúng ta, vì vậy chỉ cần cha mẹ chú ý bổ sung là có thể đảm bảo trẻ nhận đủ lượng kẽm cần thiết.

Kẽm là khoáng chất có vai trò quan trọng với sự phát triển của trẻ nhỏ

Có lẽ nhiều người chưa biết rằng kẽm có tác dụng gì. Khoáng chất này ít được nhắc đến so với một số chất khác, nhưng thực tế là nó mang lại vô số lợi ích, bao gồm hoạt động trao đổi chất, hỗ trợ hệ thống miễn dịch, tổng hợp DNA, tổng hợp protein, chữa lành vết thương và phân chia tế bào. Kẽm còn là chất xúc tác cho khoảng 100 enzyme, thúc đẩy các hoạt động trao đổi chất trong cơ thể trẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tổng hợp DNA và protein.

Việc bổ sung kẽm phù hợp là nền tảng cho sự tăng trưởng và phát triển lành mạnh của trẻ từ khi còn trong bụng mẹ, sinh ra và từ giai đoạn trẻ em đến thanh thiếu niên. Chính vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến nghị cha mẹ bổ sung kẽm hàng ngày để duy trì trạng thái ổn định và khỏe mạnh cho cơ thể bé yêu của mình.

Nhu cầu bổ sung kẽm cho trẻ theo từng giai đoạn

Để đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh, nhu cầu bổ sung kẽm cho trẻ sẽ khác nhau theo từng giai đoạn phát triển:

  • Trẻ sơ sinh (7 đến 12 tháng tuổi): 3 mg/ngày;
  • Trẻ 1 – 3 tuổi: 3 mg/ngày;
  • Trẻ 4 – 8 tuổi: 5 mg/ngày;
  • Trẻ 9 – 13 tuổi: 8 mg/ngày;
  • Trẻ 14 – 18 tuổi (nam): 11 mg/ngày;
  • Trẻ 14 – 18 tuổi (nữ): 8 mg/ngày.

Việc bổ sung kẽm sẽ phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ. Điều này không chỉ đáp ứng nhu cầu kẽm hàng ngày của cơ thể mà còn giúp cha mẹ chăm sóc sức khỏe trẻ phù hợp từng giai đoạn phát triển. Chỉ nên bổ sung đúng liều lượng kẽm cần thiết, tránh việc dư thừa có thể gây rủi ro tiềm ẩn.

Thời điểm nào trong ngày là tốt nhất để cho trẻ uống kẽm?

Sau khi đã hiểu rõ nhu cầu bổ sung kẽm phù hợp với từng giai đoạn phát triển của trẻ, một vấn đề khác mà cha mẹ cần quan tâm đó là thời điểm nào trong ngày để cho trẻ uống kẽm.

Theo bác sĩ chuyên khoa, cha mẹ nên cho trẻ uống kẽm một giờ trước hoặc 2 giờ sau khi ăn. Đây là thời điểm tối ưu để bổ sung kẽm cho trẻ, giảm thiểu nguy cơ rối loạn tiêu hóa. Lưu ý rằng thực phẩm bổ sung kẽm cho trẻ nên được cung cấp vào buổi sáng để đảm bảo khoáng chất này được sử dụng cho cơ thể trong suốt ngày. Đối với trẻ có vấn đề về tiêu hóa, tốt nhất là bổ sung kẽm trong bữa ăn để tránh kích thích hệ tiêu hóa trẻ.

Cho trẻ uống kẽm vào thời điểm nào là sự quan tâm của nhiều bố mẹ

Ngoài ra, cha mẹ cần tránh bổ sung kẽm đồng thời với các khoáng chất khác như canxi, sắt và magie. Tốt nhất là bổ sung mỗi loại khoáng chất cách nhau ít nhất 2 giờ để cơ thể trẻ có thể hấp thụ từng loại khoáng chất riêng biệt.

Cách bổ sung kẽm cho trẻ

Để đảm bảo trẻ nhận đủ kẽm, cha mẹ có thể áp dụng các phương pháp bổ sung sau:

1. Bổ sung qua thực phẩm hàng ngày

Cha mẹ hoàn toàn có thể giúp trẻ nhận đủ kẽm thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Rất nhiều loại thực phẩm khác nhau chứa hàm lượng kẽm dồi dào, ví dụ như hàu, thịt gia cầm, thịt đỏ, ngũ cốc nguyên hạt, cua, tôm, sữa, đậu và các loại hạt. Đây đều là những nguồn thực phẩm giàu kẽm tốt cho sự phát triển của trẻ.

2. Sản phẩm bổ sung

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thực phẩm chức năng chứa các dạng muối kẽm như kẽm sulfate, kẽm gluconate và kẽm acetat. Các sản phẩm này đều mang lại nhiều lợi ích đối với sự phát triển của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi áp dụng sản phẩm bổ sung để đảm bảo an toàn và phù hợp cho trẻ.

Cha mẹ nên bổ sung kẽm phù hợp với nhu cầu cơ thể của trẻ

3. Các nguồn cung cấp khác

Ngoài thực phẩm và các sản phẩm bổ sung, kẽm còn có trong các sản phẩm vi lượng đồng căn và các chế phẩm thuốc xịt mũi. Tuy nhiên, cha mẹ cần hạn chế việc sử dụng lâu dài các sản phẩm này để tránh gây mất khứu giác cho trẻ.

Khi quên liều bổ sung kẽm

Kẽm nên được bổ sung vào buổi sáng và tuân thủ theo hướng dẫn về thời điểm cho trẻ uống kẽm như đã thông tin ở trên. Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ quên cho trẻ uống kẽm, bạn nên cho trẻ uống càng sớm càng tốt ngay khi nhớ ra.

Nếu thời điểm đó cách quá gần đến lúc bổ sung liều kẽm tiếp theo, bạn có thể bỏ qua liều đã quên và quay lại lịch bổ sung như thường lệ. Cần nhớ không tăng gấp đôi liều lượng để bù cho liều đã quên, vì việc bổ sung quá liều có thể gây hại cho sức khỏe.

Trong trường hợp quên bổ sung kẽm trong một hoặc nhiều ngày, cha mẹ không cần quá lo lắng. Cơ thể trẻ sẽ mất một thời gian đủ lâu mới bị thiếu kẽm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bác sĩ khuyến nghị bạn bổ sung kẽm cho trẻ vào thời điểm nào và liều lượng bao nhiêu, hãy đặt chuông thông báo để đảm bảo trẻ được bổ sung kẽm đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Hy vọng bài viết trên đã giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về vai trò của kẽm, nhu cầu bổ sung kẽm và thời điểm tốt nhất để cho trẻ uống kẽm. Điều quan trọng cần lưu ý là phải đúng liều lượng để tránh rủi ro tiềm ẩn.

Xem thêm:

  • Có nên uống kẽm và vitamin E cùng lúc không?
  • Triệu chứng thiếu kẽm ở nam giới và cách bổ sung hiệu quả
  • Bổ sung kẽm và DHA cho bé cùng lúc được không?

Bài viết liên quan