9 Dấu Hiệu Mẹ Bầu Chuyển Dạ Sắp Sinh Em Bé

Việc trang bị kiến thức về quá trình chuyển dạ giúp mẹ bầu yên tâm và sẵn sàng cho cuộc “vượt cạn” nhẹ nhàng sắp tới. Hãy cùng tìm hiểu về những dấu hiệu mẹ bầu chuyển dạ để chủ động đón bé yêu chào đời.

1. Bụng bầu tụt xuống

Ở những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi sẽ dịch chuyển xuống khu vực xương chậu của mẹ để sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ. Mẹ bầu sẽ cảm giác bụng mình tụt xuống và dài ra hơn. Cơ hoành được giảm áp lực từ thai nhi, giúp mẹ bầu dễ thở hơn. Mẹ cũng có thể ăn nhiều hơn vì áp lực tác động vào dạ dày giảm đi.

2. Bị chuột rút và đau lưng nhiều hơn

Trong giai đoạn tiền chuyển dạ, mẹ bầu thường bị chuột rút, đau lưng, đau xương mu, hai bên hông và háng nhiều hơn. Điều này do các cơ khớp ở vùng xương chậu và tử cung bị căng ra để chuẩn bị cho bé chào đời.

3. Tiêu chảy, uể oải

Do các cơ trong tử cung giãn ra, cơ trong cơ thể cũng được “nghỉ ngơi”. Đường ruột của mẹ bầu sẽ nhận được tín hiệu từ cơ thể và chuẩn bị cho cuộc vượt cạn. Mẹ bầu có thể gặp tình trạng đi tiêu lỏng hơn, điều này là bình thường báo hiệu sắp sinh.

4. Mẹ bầu chậm hoặc ngừng tăng cân

Trong giai đoạn cuối thai kỳ, cân nặng mẹ bầu có xu hướng tăng chậm lại hoặc thậm chí chững lại. Lượng chất lỏng trong cơ thể giảm đi và tác động của các hormone chuẩn bị cho chuyển dạ cũng làm tăng cân chậm lại.

5. Xuất hiện sữa non

Trước khi sinh 2-3 tuần, các mẹ có thể có sữa non. Sữa non chứa nhiều kháng thể cho bé, đóng vai trò như một loại vắc-xin tự nhiên an toàn tuyệt đối cho trẻ sơ sinh.

6. Mất nút nhầy

Nếu bạn có tình trạng ra nhớt âm đạo trong suốt thai kỳ, khó xác định khi nào nút nhầy cổ tử cung được giải phóng. Nút nhầy có thể có màu hồng, lấm tấm máu hoặc trong suốt. Nút nhầy cũng có thể bị bong sau khi được bác sĩ khám hoặc do quan hệ tình dục vào những tháng cuối thai kỳ.

7. Cơn gò tử cung chuyển dạ

Đây là dấu hiệu chuyển dạ thường gặp. Cơn gò sinh lý không đều, không có cảm giác đau. Cơn gò tử cung chuyển dạ thật xuất hiện sau 37 tuần, có đau vùng bụng dưới, bụng cứng và thành cơn, cường độ đau ngày càng mạnh và tần suất dày hơn, kèm ra nhầy hồng âm đạo hoặc ra ối.

8. Vỡ ối

Dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy thai phụ bắt đầu chuyển dạ. Khi túi ối vỡ ra, mẹ bầu có thể cảm nhận dòng nước chảy ra từ âm đạo. Việc vỡ ối có thể ảnh hưởng đến thai nhi và tạo điều kiện cho vi trùng, vi khuẩn xâm nhập, vì vậy khi có dấu hiệu vỡ ối mẹ cần nhanh chóng đến cơ sở y tế uy tín.

9. Cổ tử cung bắt đầu mở

Cổ tử cung mở ngay từ khi bắt đầu chuyển dạ. Tử cung mỏng dần để bé có thể chui qua âm đạo ra ngoài. Cổ tử cung mở từ kín đến mở hoàn toàn trong 4 giai đoạn.

Nhớ luôn lựa chọn dịch vụ Thai sản trọn gói tại Bệnh viện ĐKQT Bắc Hà để theo dõi và chăm sóc thai kỳ một cách khoa học, hợp lý và tiết kiệm. Hãy yên tâm đón con, còn mọi thứ hãy để Bắc Hà lo!

Image
Hình ảnh minh họa: Mẹ bầu chăm sóc sức khỏe trong thời gian chuyển dạ

Mẹ bầu hãy luôn lắng nghe cơ thể và tìm hiểu về các dấu hiệu chuyển dạ. Điều này sẽ giúp bạn chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng chào đón hạnh phúc mới trong cuộc sống của mình. Cùng chờ đợi thời điểm quan trọng và đáng nhớ này!

Bài viết liên quan