Đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu: Tìm hiểu nguyên nhân và cách giải quyết

Đầy hơi khó tiêu, chướng bụng không chỉ xuất hiện ngay sau khi ăn uống một cách vội vàng, mà còn có thể do mắc phải một số bệnh lý tiêu hóa mãn tính trong thời gian dài.

1.1 Nguyên nhân tức thời gây đầy hơi khó tiêu, chướng bụng

  • Ăn uống không đúng cách: Việc nuốt nhiều không khí do ăn quá nhanh, uống thức uống có gas, sử dụng ống hút khi uống, nhai kẹo cao su, ăn kẹo cứng, mang răng giả không phù hợp, có thói quen hút thuốc, thường xuyên sử dụng chất kích thích như cà phê, rượu, bia… có thể tạo ra nhiều hơi trong bụng và gây ra đầy hơi, chướng bụng.
  • Ăn nhiều thực phẩm tạo hơi: Một số thực phẩm rất tốt cho cơ thể và thường được sử dụng có thể gây đầy hơi khó tiêu như đậu, sản phẩm từ sữa, ngũ cốc, cải.
  • Táo bón: Người bệnh đang bị chứng táo bón cũng có thể gặp phải các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng.
  • Mắc bệnh mãn tính: Những người thường xuyên bị căng thẳng hoặc mắc các bệnh mãn tính cũng có khả năng gặp phải đầy hơi khó tiêu, chướng bụng.

1.2 Nguyên nhân lâu dài gây đầy hơi khó tiêu, chướng bụng

  • Khó tiêu do cơ thể không dung nạp thực phẩm: Có thể là do cơ thể không dung nạp một số chất trong thực phẩm như gluten, lactose, fructose. Không dung nạp gluten hay bệnh celiac là một chứng rối loạn tự miễn dịch gây viêm ruột non, làm giảm hấp thu gluten từ thực phẩm. Không dung nạp lactose xảy ra khi sử dụng sản phẩm từ sữa và gây đầy hơi khó tiêu. Không dung nạp fructose xảy ra khi ăn trái cây và một số loại rau.
  • Vi khuẩn đường ruột phát triển quá mức: Khi axit trong dạ dày giảm hoặc cơ ruột non giảm co bóp, vi khuẩn trong dạ dày, ruột non sẽ phát triển quá mức và gây ra tình trạng dư thừa vi khuẩn trong ruột non. Ngoài đầy bụng, khó tiêu, tình trạng này còn có thể gây khó chịu ở bụng, đau bụng, tiêu chảy và làm cơ thể mệt mỏi.
  • Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản, không chỉ gây ợ chua mà còn có thể gây đau tức ở vùng bụng, ngực, đầy hơi khó tiêu, nghẹn thức ăn, hôi miệng và đau họng.
  • Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích liên quan đến việc cơ thể nhạy cảm với dây thần kinh ở ruột, hay bị căng thẳng, stress, do di truyền hoặc là tình trạng thức ăn ở ruột già quá lâu hoặc quá ngắn. Hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng đến ruột và quá trình tiêu hóa, kéo dài từ vài ngày đến vài tháng và có các triệu chứng bao gồm đầy hơi khó tiêu, chướng bụng, đau quặn bụng (giảm sau khi đại tiện), tiêu chảy và táo bón.

Hình ảnh minh họa
Caption: Hình ảnh minh họa

Bài viết liên quan