Khi chăm sóc và cho trẻ sơ sinh bú, đôi khi bố mẹ gặp tình trạng trẻ bị ọc sữa ít nhất 1-2 lần. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? Hiểu biết và nắm rõ nguyên nhân này giúp bố mẹ xử lý phù hợp và ngăn ngừa các nguy hiểm đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.
TÓM TẮT
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh là gì?
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh là tình trạng sữa bị trào ngược từ dạ dày trở lại ống nối miệng và dạ dày. Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vẫn chưa được phát triển đầy đủ nên trẻ rất dễ bị ọc sữa, thường xảy ra khi trẻ bú quá nhiều hoặc nuốt phải không khí khi bú. Tần suất và lượng sữa ọc ra ngoài sẽ khác nhau ở từng trẻ và lượng sữa trẻ bú vào. Khoảng một nửa số trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ gặp phải hiện tượng này trong 3 tháng đầu đời.
Bạn đang xem: Ọc sữa ở trẻ sơ sinh nguyên nhân do đâu? Phải làm thế nào?
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh nguyên nhân do đâu?
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, như:
1. Bé bú quá no
Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ, nên trẻ chỉ cần một lượng sữa nhỏ trong mỗi lần bú. Nếu trẻ bú quá no, sữa có thể tự trào ra ngoài một cách tự nhiên, gây hiện tượng ọc sữa ở trẻ sơ sinh.
2. Bé ợ hơi sau bú
Trẻ nuốt phải không khí khi bú sữa là một vấn đề khó tránh khỏi ở trẻ sơ sinh. Khi lượng khí mà trẻ nuốt vào tích tụ quá nhiều trong dạ dày, trẻ cảm thấy khó chịu, ợ hơi và có thể nôn trớ, ọc sữa. Đây là một phản xạ bình thường của cơ thể, diễn ra thường xuyên hơn ở trẻ bú bình.
3. Bé bị trào ngược dạ dày
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh do trào ngược dạ dày còn gây ra các triệu chứng đi kèm như nôn trớ, cáu bẩn, ảnh hưởng đến sự phát triển và sinh hoạt của trẻ. Ngoài ra, sữa bị ọc có thể đi vào đường hô hấp, kích thích tăng tiết đờm, trẻ thở khò khè thậm chí có thể dẫn đến viêm phổi. Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn no và có thể xảy ra khi trẻ khóc, hoặc căng thẳng.
4. Bé bị táo bón
Trẻ sơ sinh thường đi tiêu khá nhiều lần trong ngày, ít nhất 1 lần/ngày. Nhưng nếu trẻ không đi tiêu hoặc tần suất đi tiêu trong ngày giảm đột ngột, trẻ có thể đang bị táo bón hoặc gặp các vấn đề rối loạn hệ tiêu hóa. Điều này cũng có thể khiến trẻ bị ọc sữa, tuy nhiên không phổ biến.
5. Bé bị viêm dạ dày ruột
Trẻ bị viêm dạ dày ruột thường do siêu vi, cũng có thể gây ra tình trạng nôn trớ, ọc sữa nhiều lần trong tối đa 24 giờ. Các triệu chứng đi kèm khi trẻ bị viêm dạ dày ruột gồm: đầy hơi, mệt mỏi, quấy khóc, co thắt dạ dày, bụng cồn cào, tiêu chảy và sốt nhẹ.
6. Bé bị dị ứng
Xem thêm : Điều trị chứng táo bón ở trẻ nhỏ
Theo một nghiên cứu ở Anh, có đến 2% trẻ sơ sinh dị ứng đạm sữa bò. Bên cạnh đó, có 0.5% trẻ sơ sinh bú mẹ bị dị ứng đạm sữa bò. Các trường hợp dị ứng sữa thường diễn ra ở mức độ nhẹ và trung bình. Ọc sữa có thể là một trong những triệu chứng khi trẻ bị dị ứng.
7. Bé không dung nạp Lactose
Trẻ không dung nạp lactose là tình trạng cơ thể thiếu hụt men tiêu hóa lactose gây ra các rối loạn trong hệ tiêu hóa. Bên cạnh các triệu chứng như sôi bụng, tiêu chảy, đi ngoài phân chua, biếng ăn, trẻ có thể bị ọc sữa.
8. Một số nguyên nhân khác
Một số trường hợp hiếm gặp, trẻ sơ sinh bị ọc sữa nhiều và liên tục do các bệnh lý nguy hiểm như hẹp phì đại môn vị, bệnh lồng ruột, teo tắc ruột, xoắn ruột. Ngoài ra, hệ thống miễn dịch của trẻ sơ sinh còn yếu, nên trẻ dễ gặp vấn đề về đường hô hấp từ môi trường hoặc hít phải nước ối trong bào thai. Cơ thể tăng tiết dịch tại niêm mạch mũi họng, đờm bị ứ đọng trong đường hô hấp khiến trẻ thở khò khè, ngạt mũi. Lúc này, trẻ thường thở bằng miệng khiến niêm mạc họng khô, kích thích phản xạ nôn, gây ọc sữa nhiều hơn.
Phân biệt bé bị ọc sữa hay nôn ói
Thực tế, ọc sữa sơ sinh và nôn ói là hai hiện tượng khác nhau, chủ yếu xảy ra sau khi trẻ bú. Phân biệt rõ hai hiện tượng này từ sớm giúp bố mẹ xác định nguyên nhân và có phương hướng xử lý phù hợp, kịp thời:
-
Ọc sữa: Tình trạng thức ăn chảy qua miệng của trẻ một cách dễ dàng, có thể kèm theo ợ hơi, không gây cảm giác khó chịu. Phần lớn các trường hợp trẻ bị ọc sữa không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ và có thể tự khỏi sau khi mẹ điều chỉnh một số thói quen sinh hoạt cho trẻ.
-
Nôn ói: Tình trạng các chất trong dạ dày chảy mạnh ra ngoài qua đường miệng, liên quan đến sự co thắt của các cơ trong dạ dày, gây cảm giác khó chịu. Nôn ói thường đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, quấy khóc và thường là dấu hiệu của một số bệnh lý. Lượng chất nôn, tần suất nôn có thể nhiều hơn so với ọc sữa.
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa phải làm thế nào?
Thay vì lo lắng và bối rối khi trẻ sơ sinh bị ọc sữa, bố mẹ nên giữ bình tĩnh để tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng này ở trẻ. Để giảm tình trạng ọc sữa sơ sinh, bố mẹ có thể thực hiện một số biện pháp trị ọc sữa ở trẻ sơ sinh như sau:
-
Cho trẻ bú trong tư thế thẳng đứng: Khi cho trẻ bú, hãy tạo một không gian yên tĩnh để trẻ thoải mái và tập trung bú. Sau khi trẻ bú hoặc khi chuyển đổi bầu ngực, hãy cho trẻ ợ hơi. Đối với trẻ bú bình, hãy cho trẻ ợ hơi sau mỗi 3-5 phút. Bố mẹ nên chú ý chọn bình sữa có kích thước lỗ trên núm vú phù hợp để tránh trường hợp sữa chảy quá nhanh gây sặc hoặc quá nhỏ tạo bọt khí khiến trẻ ọc sữa.
-
Xem thêm : Các dấu hiệu sớm của trẻ thiếu sắt
Khi trẻ bú xong, duy trì tư thế thẳng đứng để dạ dày trẻ ổn định: Trẻ đã bú xong, hãy tiếp tục giữ yên trẻ ở tư thế thẳng đứng trong khoảng 20-30 phút thay vì đặt trẻ xuống hoặc di chuyển quá nhiều.
-
Chỉ cho trẻ bú một lượng vừa đủ: Bố mẹ chỉ nên cho trẻ bú một lượng sữa vừa đủ trong mỗi lần bú, đồng thời, tăng cữ bú để đảm bảo trẻ được bổ sung đủ dưỡng chất. Trong những ngày đầu sau sinh, lượng sữa ở mỗi lần bú dao động khoảng 30-60ml/lần, mỗi cữ bú cách nhau vài giờ. Những tuần tiếp theo, trẻ có thể bú nhiều sữa hơn 60-90ml/lần. Trẻ 1 tháng tuổi có thể bú khoảng 100ml/lần, 6-8 cữ/ngày.
-
Cho trẻ nằm ngửa khi ngủ: Bố mẹ nên đặt trẻ sơ sinh nằm ngửa khi ngủ để tránh tình trạng trẻ nôn trớ, ọc sữa hay mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Khi nằm ngủ, đầu trẻ nên được kê cao lên một góc 30 độ nhằm ngăn chặn tình trạng sữa trào ngược lên thực quản.
-
Tham khảo ý kiến bác sĩ về chế độ dinh dưỡng của mẹ cho con bú hoặc loại sữa công thức cho trẻ: Việc cân chỉnh chế độ dinh dưỡng của mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sữa mẹ. Một số trường hợp mẹ có thể loại bỏ các sản phẩm từ sữa, thực phẩm chức năng ra khỏi chế độ ăn hàng ngày để giúp cải thiện tình trạng ọc sữa sơ sinh. Ngoài ra, một số loại sữa công thức có thành phần không phù hợp cũng có thể gây ra tình trạng này ở trẻ.
-
Giữ môi trường sống sạch sẽ: Khói bụi, đặc biệt khói thuốc lá gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, kích thích dạ dày tiết axit, gây rối loạn hệ tiêu hóa. Do đó, mẹ nên chú ý không cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá.
-
Vệ sinh mũi họng cho trẻ đúng cách: Trẻ thường bị ọc sữa thường xuyên, bố mẹ nên vệ sinh mũi họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ để làm sạch đường thở, giảm kích thích từ môi trường.
Khi nào nên đưa bé sơ sinh đến cơ sở y tế
Trẻ sơ sinh bị ọc sữa không phải là hiện tượng hiếm gặp, nhưng trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể là dấu hiệu của các bệnh lý nguy hiểm. Do đó, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường sau, bố mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám sớm:
- Trẻ không tăng cân.
- Trẻ từ chối bú sữa liên tục.
- Lượng sữa khi trẻ ọc ra lớn (có thể nhiều hơn 1, thậm chí 2 muỗng canh).
- Trẻ có biểu hiện nôn mửa, nôn mạnh.
- Trẻ ít đi vệ sinh hơn bình thường.
- Trẻ mệt mỏi, uể oải, có thể bị sốt.
- Trẻ gặp khó khăn khi thở sau khi ăn.
- Chất nôn của trẻ có màu xanh lá cây, đỏ hoặc nâu.
- Kèm các triệu chứng bất thường khác: sốt, ho, tiêu chảy,…
- Sặc sữa.
Để biết thêm thông tin về cách chăm sóc và những vấn đề sức khỏe khác của trẻ, bạn có thể liên hệ Trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh theo địa chỉ:
Trung tâm Sơ sinh, bệnh viện đa khoa Tâm Anh
Ọc sữa ở trẻ sơ sinh là một hiện tượng sinh lý bình thường, có thể xảy ra ở mọi trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài và kèm theo các triệu chứng bất thường, bố mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và hỗ trợ sớm nhất.
Nguồn: https://muabimchocon.com
Danh mục: Tư Vấn