Dấu hiệu mẹ ít sữa là gì? Tại sao sữa mẹ lại ít sau khi sinh con?

Rất nhiều bà mẹ sau sinh muốn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nhưng lo lắng về nguồn sữa mẹ ít ỏi, không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng trưởng của trẻ. Đâu là nguyên nhân và dấu hiệu mẹ ít sữa? Cùng tìm hiểu cụ thể trong bài viết dưới đây.

Ít sữa sau sinh là gì?

Ít sữa sau sinh là tình trạng mẹ ít sữa hoặc không có sữa cho con bú ngay sau sinh, khác với tình trạng mẹ đang có sữa bình thường nhưng đột nhiên không có sữa nữa gọi là mất sữa. Thông thường, tình trạng này chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nhưng nếu mẹ không khắc phục sớm có thể gây mất sữa, ảnh hưởng đến dinh dưỡng chính của trẻ.

Rất nhiều bà mẹ sau sinh lo lắng về việc có đủ sữa mẹ cho trẻ bú hay không, nhất là khi mẹ không thể đo lường được cơ thể tạo ra được bao nhiêu sữa và lượng sữa trẻ bú mỗi ngày. Đó chính là lý do khiến các bà mẹ không ngừng cho trẻ bú.

BS.CKI Huỳnh Ngọc Thu Trà, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ, tin vui là thực tế hầu hết các bà mẹ đều có đủ sữa để nuôi dưỡng một hoặc thậm chí là hai đứa trẻ. Cơ thể mẹ có thể tạo ra được lượng sữa nhiều hơn so với nhu cầu của trẻ, rất ít trường hợp mẹ ít sữa. Chỉ khoảng 10-15% mẹ cho con bú cho biết họ gặp tình trạng này.

Không ít bà mẹ nghi ngờ về khả năng tạo tiết sữa của mình, nghĩ rằng sữa mẹ ít ỏi không thể cung cấp đủ cho trẻ mặc dù trẻ vẫn đang nhận đủ sữa mẹ. Chính tâm lý dằn vặt đó khiến mẹ căng thẳng, stress kéo dài ảnh hưởng đến cơ chế tạo tiết sữa.

Dấu hiệu mẹ ít sữa dễ nhận biết

Sữa mẹ chứa đầy đủ những dinh dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Khi mẹ ít sữa, trẻ bú không đủ, sẽ có những dấu hiệu sau:

1. Trẻ quấy khóc khi ngừng bú mẹ

Bình thường trẻ sẽ ngủ ngay sau khi bú no. Nếu mẹ thấy trẻ quấy khóc khi ngừng bú hay liếm môi, thè lưỡi, miệng di chuyển liên tục để tìm bầu vú… đó là dấu hiệu cho thấy trẻ bú không đủ sữa mẹ.

2. Trẻ tăng cân chậm

Trẻ sơ sinh có thể giảm tới 10% trọng lượng khi sinh trong vài ngày đầu sau sinh, hầu hết sẽ trở lại cân nặng như lúc sinh trong vòng 10-14 ngày và bắt đầu tăng cân. Khi trẻ ốm có thể bị sụt cân một chút. Nhưng nếu trẻ khỏe mạnh mà vẫn bị sụt cân hoặc không tăng cân theo thời gian, nghĩa là trẻ không nhận đủ lượng sữa mẹ để tăng trưởng và phát triển.

3. Trẻ đi tiểu ít

Sữa mẹ được tạo thành với khoảng 90% là nước, nếu trẻ bú đủ sữa mẹ sẽ đi tiểu nhiều lần trong ngày. Nếu mẹ thấy trẻ đi tiểu ít hơn 6 lần/ngày chứng tỏ trẻ không bú đủ sữa mẹ do mẹ ít sữa. Mẹ có thể chú ý số tã ướt hàng ngày của trẻ để xem trẻ đi tiểu nhiều hay ít.

4. Trẻ bú nhanh do mẹ hết sữa

Thời gian bú mẹ của mỗi trẻ là khác nhau, thậm chí thời gian bú của một trẻ khác nhau giữa các ngày nhưng ước tính trung bình là khoảng 10-20 phút. Nếu mẹ thấy trẻ bú chưa tới 5 phút mà đã ngừng, sữa mẹ cũng không tiết ra nữa đó có thể là dấu hiệu mẹ ít sữa.

5. Mẹ cố gắng hút sữa nhưng vẫn không có sữa

Nhiều mẹ cố gắng dùng tay hoặc máy hút sữa để kích thích quá trình tạo tiết sữa, nhưng lượng sữa tiết ra vẫn không nhiều hoặc thậm chí là không có sữa.

6. Bầu vú không thay đổi hoặc ít thay đổi sau sinh

Cơ thể mẹ sẽ tự nhận diện và tăng tạo tiết sữa kể từ khi cho trẻ ngậm ti mẹ lần đầu tiên. Nếu sau 3 ngày mà kích thước bầu ngực của mẹ vẫn không lớn hơn, không căng tròn và không tiết ra nhiều sữa, đó là dấu hiệu mẹ ít sữa cho trẻ bú.

Tại sao mẹ lại ít sữa sau khi sinh?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến mẹ ít sữa sau sinh. Mẹ cần xác định đúng nguyên nhân để có hướng khắc phục kịp thời, cải thiện nguồn sữa để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ trong những năm tháng đầu đời.

1. Mẹ không cho trẻ bú thường xuyên

Nguyên tắc trong cơ chế tạo tiết sữa mẹ là trẻ càng bú nhiều thì mẹ càng tiết nhiều sữa. Nhiều bà mẹ quan niệm rằng nên cai ti đêm sớm cho trẻ để trẻ phát triển tốt hơn, tuy nhiên việc làm này vô tình khiến việc tạo tiết sữa của mẹ giảm dần.

Mẹ cần cho trẻ bú thường xuyên cả ngày lẫn đêm. Trong trường hợp không thể cho trẻ ti mẹ trực tiếp, mẹ có thể vắt sữa ra bình cho trẻ bú. Khi vắt sữa cũng cần vắt cả ngày lẫn đêm, đảm bảo bầu vú luôn được rỗng để việc tạo tiết sữa mẹ được duy trì ổn định.

2. Trẻ bú mẹ không đúng cách

Cho trẻ bú đúng cách được xem là chìa khóa quan trọng để mẹ cung cấp đủ sữa cho trẻ. Mặc dù ôm con và cho con bú là bản năng của một người mẹ, nhưng trên thực tế nhiều và mẹ vẫn chưa thực hiện đúng.

Kỹ thuật cho trẻ bú đúng bao gồm 2 yếu tố là tư thế bú đúng và ngậm bắt vú đúng. Khi trẻ bú mẹ không đúng cách, mẹ sẽ dễ dàng nhận thấy trẻ không thỏa mãn sau mỗi cữ bú, trẻ đòi bú nhiều lần khiến khoảng cách giữa các cữ bú gần nhau, trẻ cũng không ngủ sâu giấc.

Vì thế, vấn đề then chốt là mẹ cần biết cách cho trẻ bú đúng và thường xuyên theo nhu cầu của trẻ.

3. Mẹ bị căng thẳng và stress

Quá trình tạo tiết sữa của mẹ chịu ảnh hưởng của hai loại hormone là prolactin và oxytocin. Khi mẹ bị căng thẳng và stress kéo dài sẽ ức chế hoạt động của hai loại hormone này, từ đó làm sữa mẹ ít dần và có thể mất sữa.

4. Mẹ thiếu thời gian nghỉ ngơi

Quá trình hồi phục sau sinh con và nuôi con bằng sữa mẹ có thể khiến mẹ mệt mỏi. Tình trạng mệt mỏi, thiếu năng lượng có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo tiết sữa của cơ thể. Mẹ nên tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi khi trẻ ngủ, hoặc nhờ gia đình đỡ đần để có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn.

5. Mẹ bị thiếu dinh dưỡng

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc hồi phục sức khỏe sau sinh. Nếu mẹ có chế độ ăn uống thiếu khoa học, không cung cấp đầy đủ các nhóm chất cần thiết sẽ khiến cơ thể bị suy nhược, ảnh hưởng đến khả năng sản xuất sữa mẹ. Lượng sữa mẹ tiết ra và chất lượng sữa mẹ đều suy giảm.

6. Mẹ ăn các loại thực phẩm gây ít sữa

Một số loại thực phẩm như rau bạc hà, rau mùi tây, lá lốt, măng chua, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất kích thích, đồ uống có cồn, gia vị như ớt, tỏi… có thể ảnh hưởng đến quá trình tạo tiết sữa mẹ. Vì thế, mẹ cần kiêng tuyệt đối những thực phẩm này để tránh ảnh hưởng đến sữa mẹ.

7. Mẹ mắc bệnh lý tuyến vú

Mẹ mắc phải các bệnh lý tuyến vú như viêm vú, áp xe vú do tắc tia sữa có thể gặp khó khăn trong việc tạo tiết sữa. Bên cạnh đó, những vấn đề như thiểu sản tuyến vú hoặc mẹ có phẫu thuật ngực cũng sẽ ảnh hưởng đến quá trình tạo tiết sữa của tuyến vú, khiến sữa mẹ ít hơn.

8. Mẹ bị sót nhau sau sinh

Sót nhau là hiện tượng một phần hoặc tất cả nhau thai vẫn còn bám trong tử cung sau khi sinh. Tình trạng này khá hiếm gặp, tuy nhiên nếu xảy ra sẽ khiến mẹ đau đớn do các cơn co bóp tử cung và làm tăng lượng hormone progesterone. Sự gia tăng của loại hormone này sẽ ngăn cản quá trình tạo tiết sữa.

9. Mẹ bị rối loạn nội tiết và thiếu máu

Sự thay đổi nội tiết tố trong thai kỳ và sau sinh có thể gây rối loạn hormone, trong đó có những hormone liên quan đến quá trình tạo tiết sữa. Ngoài ra, tình trạng thiếu máu sau sinh có thể khiến mẹ mệt mỏi, ảnh hưởng sự lưu thông máu đến các cơ quan trong cơ thể làm chậm quá trình tiết sữa.

10. Mẹ cho trẻ dùng sữa công thức sớm

Khi mẹ cho trẻ dùng sữa công thức sớm có thể khiến trẻ chán sữa mẹ, từ đó từ chối bú mẹ. Việc làm này khiến cơ chế tạo tiết sữa mẹ giảm dần, có thể dẫn đến tình trạng mất sữa.

11. Lạm dụng ti giả cho trẻ

Nếu mẹ lạm dụng ti giả cho trẻ sẽ vô tình tạo ra thói quen khiến bé quen với ti giả, không muốn ti mẹ trực tiếp. Ngoài ra, mặc dù mẹ có thể kích thích tuyến vú tiết sữa bằng cách hút nhưng cách làm này không hiệu quả bằng việc trẻ bú mẹ trực tiếp.

12. Trẻ bú ít hoặc bú lắt nhắt

Tình trạng này thường gặp ở trẻ dưới 3 tuổi do kích thước dạ dày còn nhỏ, hệ tiêu hóa trẻ chưa phát triển hoàn thiện nên cơ thể mẹ tự điều chỉnh lượng sữa tiết ra. Tuy nhiên, nếu khi trẻ lớn hơn vẫn duy trì thói quen bú này, cơ thể mẹ sẽ hiểu nhầm rằng nhu cầu sữa của trẻ thấp, khiến lượng sữa tiết ra giảm đi nên mẹ cảm thấy sữa mẹ ít.

13. Mẹ sử dụng máy hút sữa không đúng cách

Sử dụng máy hút sữa sai cách, lực hút từ máy hút sữa quá mạnh có thể gây tổn thương cho đầu vú. Ngoài ra, mẹ quá phụ thuộc vào máy hút sữa có thể quên mất việc cho trẻ bú trực tiếp. Đây cũng là nguyên nhân khiến mẹ ít sữa hơn.

14. Mẹ sinh non, sinh mổ

Sinh non sẽ khiến cơ thể mẹ không kịp điều chỉnh, có thể gây ảnh hưởng đến quá trình tạo tiết sữa. Trường hợp sinh mổ, các loại thuốc kháng viêm và giảm đau sau sinh có thể khiến mẹ ít sữa nếu cơ thể mẹ nhạy cảm với các thành phần của thuốc. Đó chính là lý do mẹ sinh non và sinh mổ thường ít sữa hoặc sữa chậm về hơn so với mẹ sinh thường và sinh đủ tháng.

15. Mẹ có vấn đề ở tuyến giáp

Tuyến giáp tiết ra các hormone quan trọng đối với quá trình tạo tiết sữa. Nếu mẹ có tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) có thể gặp tình trạng suy giảm lượng sữa tiết ra.

Mẹ bị ít sữa có sao không?

Bác sĩ Thu Trà chia sẻ, nguồn sữa mẹ là thức ăn hoàn chỉnh nhất và thích hợp nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa mẹ chứa đủ các chất dinh dưỡng như đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất với hàm lượng phù hợp cho sự hấp thu và phát triển của cơ thể trẻ.

Sữa mẹ cũng chứa nhiều kháng thể giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ. Trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng sữa mẹ sẽ lớn nhanh và phòng ngừa được các nguy cơ bệnh tật thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh nhiễm trùng.

Khi mẹ ít sữa, trẻ không nhận đủ sữa mẹ sẽ tăng nguy cơ suy dinh dưỡng và giảm sức đề kháng chống lại bệnh tật. Vì thế, mẹ cần sớm nhận biết các dấu hiệu mẹ ít sữa để có giải pháp khắc phục kịp thời, đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sữa mẹ cho trẻ.

Cần làm gì khi nhận thấy sữa mẹ ít?

Ngay khi nhận thấy các dấu hiệu mẹ ít sữa, mẹ hãy áp dụng những cách sau đây để giúp nguồn sữa mẹ dồi dào trở lại:

  • Cho trẻ bú thường xuyên và đúng cách, chọn tư thế đúng khi cho trẻ bú và giúp trẻ ngậm bắt vú đúng cách. Cho trẻ bú đều cả hai bên bầu ngực và hút sạch sữa ra ngoài để đảm bảo bầu ngực luôn rỗng, thúc đẩy quá trình tạo tiết sữa.
  • Ăn uống hợp lý, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, tránh những loại thực phẩm có thể gây mất sữa hoặc làm thay đổi hương vị sữa mẹ khiến trẻ bỏ bú.
  • Uống nhiều nước để thúc đẩy và duy trì nguồn sữa mẹ dồi dào.
  • Nghỉ ngơi hợp lý, tranh thủ chợp mắt những lúc trẻ ngủ.
  • Hạn chế sử dụng ti giả để tránh trẻ không buồn ti mẹ.
  • Massage bầu ngực để giúp ống dẫn sữa giãn nở, tăng cường quá trình lưu thông và kích thích tạo tiết sữa nhiều hơn. Ngoài ra việc làm này còn giúp ngăn ngừa các vấn đề tuyến vú thường gặp như tắc tia sữa, áp xe vú, u vú.

Hy vọng qua bài viết này đã giúp nhận biết dấu hiệu mẹ ít sữa nhanh chóng, từ đó có cách phòng ngừa và khắc phục kịp thời để đảm bảo nguồn sữa mẹ dồi dào cho trẻ. Chúc hành trình nuôi con bằng sữa mẹ của các mẹ thành công!

Bài viết liên quan