Thai nhi 24 tuần phát triển như thế nào? Những thay đổi của cơ thể mẹ bầu

Mẹ bầu ơi, bạn đã biết không? Thai nhi 24 tuần tuổi đang phát triển với tốc độ rất nhanh chóng. Bộ não của bé đang hoàn thiện dần, chức năng của phổi ngày càng phức tạp, và vị giác đang dần được hình thành. Nhưng đó chưa phải là tất cả, hãy cùng tìm hiểu về tất cả sự phát triển của bé trong thời kỳ này cùng Nhà thuốc Long Châu.

Thai nhi 24 tuần là mấy tháng?

Thai nhi 24 tuần tuổi tương ứng với 6 tháng. Theo các chuyên gia phụ sản, lúc này bé có thể sống sót nếu mẹ bầu chẳng may sinh non ở tuần 24. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bé, cần phải có sự hỗ trợ của máy thở. Trong tuần 24, thai nhi đang dần hoàn thiện và phát triển nhanh chóng với nhiều thay đổi. Nếu thực hiện siêu âm, mẹ có thể thấy bé đã hình thành gần như đầy đủ các cơ quan và bộ phận cơ thể.

Sự phát triển thai nhi tuần 24 như thế nào?

Cân nặng của thai nhi tuần 24

Cân nặng của bé ở tuần 24 khoảng 600 – 700 gram. Chiều dài của thai được tính từ đầu đến gót chân khoảng 32cm. Cơ thể bé vẫn còn khá nhỏ bé, mặc dù các cơ quan của thai nhi đã gần như hoàn thiện. Lúc này, tay chân của bé đã có thể gập duỗi dễ dàng.

Ngoài cân nặng và chiều dài, mẹ bầu có thể biết thêm một vài chỉ số sau:

  • Đường kính lưỡng đỉnh: Từ 53 – 65mm.
  • Chiều dài xương đùi: Trung bình là 42mm.
  • Chu vi bụng của bé: Khoảng 201mm.
  • Chu vi đầu của thai nhi: Trung bình 224mm.

Những thay đổi của bé

Ở tuần thứ 24, thai nhi đã có nhiều thay đổi:

  • Khuôn mặt bé đang dần hoàn thiện. Mặc dù khuôn mặt còn nhỏ nhưng các bộ phận gần như đầy đủ, hoàn chỉnh từ lông mày, tóc…
  • Tóc của bé lúc này chỉ có vài sợi màu trắng do chưa có sắc tố.
  • Da của thai nhi vẫn còn nhăn nheo, trong suốt có màu hồng đỏ. Nhưng chỉ vài tuần nữa, các nếp nhăn này sẽ mờ dần nhờ quá trình tích tụ mỡ dưới da.

Thai nhi tuần 24 biết làm gì?

Thời điểm này, nhiều mẹ bầu thắc mắc bé 24 tuần máy như thế nào? Nếu mẹ bầu để ý, sẽ cảm nhận được điều kỳ diệu này. Bởi vì bé bắt đầu hoạt động mạnh hơn.

  • Chuyển động nhiều hơn. Tần suất những lần đạp, đá của bé ngày càng gia tăng và mạnh lên.
  • Thay đổi tư thế nằm thường xuyên. Lúc này, bé có thể di chuyển tự do, thoải mái trong tử cung của mẹ.
  • Thính giác của bé đã hoàn thiện, nhờ vậy thai nhi có thể nghe thấy mọi âm thanh như tiếng “ọc ọc” của ruột, tiếng còi xe, tiếng nhạc, tiếng nói chuyện của bố mẹ… Bởi vậy, khi chào đời bé sẽ nhận ra giọng nói của bố mẹ.

Những thay đổi của mẹ bầu tuần 24

Tóc của mẹ bóng mượt hơn

Cùng với sự phát triển tóc của thai nhi tuần 24, tóc của mẹ cũng dày và bóng mượt hơn. Không phải tóc của mẹ mọc thêm để dày lên mà do sự thay đổi nồng độ các hormone nội tiết trong cơ thể. Điều này làm giảm lượng tóc gãy rụng hơn bình thường. Vì vậy, mẹ bầu hãy tận hưởng mái tóc dày óng ả đi nhé, vì sau khi sinh, lượng tóc sẽ bị rụng bớt.

Chiếc bụng to làm mẹ khó di chuyển và vận động hơn

Bụng của mẹ bầu ở tuần thứ 24 đã lớn, khiến việc di chuyển trở nên khó khăn. Mẹ bầu thường cảm thấy mệt mỏi, khó chịu và đau lưng. Không chỉ vậy, việc duy trì các bài tập thể dục cũng cần phải chú ý hơn, tránh hoạt động quá sức.

Lúc này, mẹ bầu có thể lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, chậm rãi và thoải mái. Nên cung cấp đủ nước cho cơ thể và dành thời gian cho quá trình khởi động và nghỉ ngơi hợp lý.

Dễ bị táo bón

Thai nhi tuần 24 ngày càng lớn, chèn ép các cơ quan xung quanh như ruột non, ruột già, trực tràng… Điều này làm mẹ bầu khó chịu, dễ bị táo bón.

Để giải quyết tình trạng này, mẹ bầu có thể lựa chọn các thực phẩm tốt cho đường tiêu hoá như đu đủ, khoai lang, rau đay…

Lời khuyên dành cho mẹ bầu tuần 24

Thực phẩm cần thiết

Trong giai đoạn thai nhi 24 tuần, não bộ của bé đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Bởi vậy, mẹ bầu cần bổ sung thực phẩm giàu omega-3 và omega-6, đây là những loại axit béo thiết yếu mà cơ thể không tổng hợp được. Chúng vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của não và mắt.

Trường hợp mẹ sắp sinh thiếu hụt các axit béo này, bác sĩ có thể kê đơn thuốc để bổ sung, nhằm đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của bé. Vì vậy, mẹ bầu cần chú ý ăn uống lành mạnh, giàu chất béo có lợi cho sức khỏe ngay từ khi mang thai.

Một số gợi ý giúp mẹ bầu hạn chế tình trạng thiếu hụt omega-3 và omega-6:

  • Sử dụng nhiều dầu cá hồi hoặc cá trích (2 lần/tuần).
  • Tránh ăn các loại cá như cá kiếm, cá mập… vì chúng có chứa thuỷ ngân. Nếu thường xuyên ăn có thể ảnh hưởng xấu tới thai nhi.
  • Bổ sung một số loại hạt như hạch nhân, óc chó… Mẹ bầu có thể sử dụng các loại hạt này trong bữa phụ.

Vận động nhẹ nhàng

Lúc này, mẹ bầu cần vận động nhẹ nhàng và tuân thủ các nguyên tắc an toàn cho bé và mẹ. Một số bài tập mà mẹ có thể thực hiện như đi bộ, yoga…

Ngoài ra, mẹ bầu có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ để có chế độ vận động phù hợp với thể trạng của bản thân.

Chăm sóc bản thân

Trong suốt thời kỳ mang thai, mẹ bầu thường xuyên lo lắng, stress và mệt mỏi. Vì vậy, hãy chăm sóc bản thân thật tốt để cơ thể thoải mái và khỏe mạnh.

  • Không tắm quá nhiều lần trong ngày. Từ tháng thứ 5 trở đi, cơ thể mẹ nóng hơn, đặc biệt là khi mang thai vào mùa hè. Mẹ bầu sẽ tắm nhiều hơn để giải nhiệt, điều này sẽ khiến da bị khô. Vì vậy, mẹ bầu hãy sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm cho da.
  • Khám thai định kỳ để được bác sĩ thăm khám và tư vấn kịp thời.
  • Tham gia hội mẹ bỉm sữa để được chia sẻ, lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm.

Trên đây là những kiến thức về sự phát triển của thai nhi 24 tuần tuổi. Nhà thuốc Long Châu hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp mẹ bầu có thêm nhiều thông tin bổ ích. Chúc mẹ và bé thật mạnh khỏe.

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Bài viết liên quan