Có bầu không nên ăn gì? 14 thực phẩm cần kiêng khi mang thai

Dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, có những loại thực phẩm và đồ uống mẹ bầu nên tránh hoặc hạn chế để đảm bảo sức khỏe của em bé. Vậy, có bầu không nên ăn gì? Hãy cùng tìm hiểu các thông tin giúp mẹ bầu giải đáp thắc mắc này.

Có bầu không nên ăn gì?

Trong thời kỳ mang thai, mọi thứ mẹ bầu ăn đều được chia sẻ với em bé đang lớn trong bụng. Vì muốn cho con thứ tốt nhất, việc có bầu không nên ăn gì luôn là một vấn đề quan trọng hàng đầu của các mẹ.

Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng là điều quan trọng trong giai đoạn thai kỳ. Hầu hết các loại thực phẩm đều an toàn, tuy nhiên có một số thực phẩm mẹ cần tránh khi mang thai để đảm bảo cho sức khỏe của mẹ cũng như sự phát triển của bé bao gồm:

1. Cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao

Hải sản là nguồn cung cấp protein tuyệt vời và axit béo omega-3 cho thai nhi. Tuy nhiên, một số loại cá và động vật có vỏ có chứa hàm lượng thủy ngân nguy hiểm. Thai nhi nhạy cảm nhất với tác động của thủy ngân, đặc biệt là trong tháng thứ ba và thứ tư của thai kỳ. Việc tích tụ thủy ngân có thể gây hại cho hệ thần kinh đang phát triển của bé.

Mức độ thủy ngân ở từng loại cá có sự khác nhau, điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố như môi trường sống, loại cá, kích cỡ, chế độ ăn. Những loại cá săn mồi thường có kích thước lớn và đứng đầu chuỗi thức ăn nên có xu hướng chứa nhiều thủy ngân hơn. Các loại cá chứa nhiều thủy ngân nằm trong danh sách “có bầu không nên ăn gì” bao gồm: các đuối, cá kiếm, cá mập, cá chẽm, cá ngừ…

Vì vậy, thay vì ăn các loại cá lớn, phụ nữ mang thai có thể lựa chọn các loại cá như cá minh thái, cá hồi, cá rô phi, cá cơm, cá trích, cá tuyết… trong chế độ của mình.

2. Thức ăn sống hoặc chưa nấu chín

Thức ăn sống hoặc chưa được nấu chín không được khuyến nghị trong thực đơn dinh dưỡng của mẹ bầu. Phụ nữ trong giai đoạn mang thai nếu sử dụng các thực phẩm sống hoặc tái có nguy cơ nhiễm vi khuẩn coliform, bệnh toxoplasmosis và salmonella.

Trong đó, bệnh toxoplasmosis do ký sinh trùng toxoplasma gây ra, là một bệnh nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến em bé nếu mẹ bầu mắc bệnh lần đầu tiên. Bệnh có thể khiến thai nhi bị tổn thương não hoặc mù lòa.

3. Thực phẩm chế biến sẵn, thịt nguội

Các loại thực phẩm chế biến sẵn, thịt nguội dễ dàng sử dụng và tiện lợi, nhưng lại nằm trong danh sách “có bầu không nên ăn gì”.

Thịt nguội được biết là có chứa vi khuẩn listeria, có thể gây sẩy thai. Vi khuẩn listeria có thể lây nhiễm sang em bé, gây nhiễm trùng hoặc nhiễm độc máu và có thể đe dọa tính mạng. Để an toàn, hãy nhớ hâm nóng thịt cho đến khi chín.

4. Trứng sống

Trứng sống hoặc nấu chưa chín có thể mang các vi khuẩn gây bệnh như Salmonella. Bệnh do vi khuẩn Salmonella có thể có các triệu chứng như sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy và mất nước. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh diễn tiến nặng có thể gây sinh non hoặc sảy thai. Vì vậy, chỉ nên ăn trứng đã nấu chín kỹ trong thời kỳ mang thai để đảm bảo vi khuẩn đã bị tiêu diệt.

5. Thịt nội tạng

Các loại thịt nội tạng như gan, tim, lòng, dạ dày… động vật là một trong những thực phẩm phổ biến ở nước ta. Tuy nhiên, ăn quá nhiều nội tạng có thể gây ngộ độc vitamin A và hàm lượng đồng cao bất thường, có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh và nhiễm độc gan. Các bác sĩ khuyên bạn không nên ăn nội tạng nhiều hơn một lần một tuần trong thời kỳ mang thai.

6. Rau mầm

Ăn giá đỗ khi đang mang thai chỉ an toàn nếu thực phẩm này được nấu chín kỹ, chẳng hạn như món xào hoặc nấu canh, hầm. Điều này cũng áp dụng với tất cả các loại rau mầm khác.

Các loài vi khuẩn như Salmonella, Listeria và E. coli có thể xâm nhập vào hạt nảy mầm thông qua các vết nứt trên vỏ. Để thận trọng, các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ mang thai tránh ăn rau mầm sống.

7. Rau củ quả chưa được rửa sạch

Rau củ quả chưa được làm sạch có thể mang nguy cơ nhiễm Toxoplasma, Norovirus, Virus viêm gan A và Listeria monocytogenes. Vì vậy, trái cây, rau củ dành cho phụ nữ mang thai cần phải rửa cẩn thận bằng cách chà sạch vỏ dưới vòi nước nếu sản phẩm cho phép. Để an toàn hơn, nên sử dụng các sản phẩm khử trùng thực phẩm khi rửa trái cây và rau quả. Các loại rau củ đã được rửa sạch cần tránh để chung với các loại chưa rửa, và các sản phẩm động vật sống, bề mặt bị bẩn…

8. Một số loại trái cây và nước ép (đu đủ xanh, dứa, nhãn,…)

Một số loại nước ép, trái cây được khuyến nên tránh sử dụng khi mang thai, đặc biệt là 3 tháng đầu của thai kỳ như đu đủ xanh, dứa…

Đu đủ xanh chứa nhiều mủ cao su làm thúc đẩy những cơn gò tử cung sớm và có thể gây sảy thai. Trong đu đủ xanh cũng chứa một lượng lớn papain, một trong những tác dụng phụ của papain là gây chuyển dạ sớm.

Dứa có chứa bromelain, một loại enzyme có thể làm mềm cổ tử cung dẫn đến chuyển dạ sớm.

9. Rượu, bia

Rượu và bia không nên sử dụng đối với phụ nữ mang thai. Uống rượu khi mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển và sức khỏe của em bé. Một số trường hợp việc nấu ăn có sử dụng rượu không ảnh hưởng đến thai nhi nếu rượu được thêm vào từ những bước đầu của việc chế biến và thức ăn được nấu chín kỹ.

10. Caffeine

Hạn chế tiêu thụ caffeine càng nhiều càng tốt trong thai kỳ vì hàm lượng caffeine cao có thể dẫn đến các biến chứng. Caffeine được tìm thấy nhiều trong các thực phẩm và đồ uống như cà phê, trà, cô ca, nước tăng lực, socola… Quá nhiều caffeine có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và tăng nguy cơ em bé nhẹ cân hoặc phát triển chậm.

11. Nước uống bị ô nhiễm

Việc uống nước ôi nhiễm có thể gây hại đến thai nhi và trẻ sinh ra có thể nhẹ cân hoặc sinh non. Nước có thể bị ô nhiễm bởi vi khuẩn, các kim loại nặng, hóa chất… Vì vậy, mẹ bầu cần hạn chế uống nước không rõ nguồn gốc và nước được xử lý không đảm bảo.

12. Măng tươi

Măng tươi có chứa chất có thể gây ngộ độc, gây tử vong nếu không được chế biến kỹ.

13. Khổ qua

Khổ qua có thể gây ngộ độc, khó tiêu, tiêu chảy, thậm chí là sinh non, sảy thai.

14. Rau ngót

Rau ngót chứa chất có tác dụng làm giãn cơ trơn của mạch máu và có tác hại cản trở hấp thu canxi và phốt pho ở mẹ bầu.

Chế độ dinh dưỡng như thế nào tốt cho bà bầu?

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ mang thai. Một chế độ ăn tốt là chế độ ăn với cân bằng các nhóm chất như chất bột đường, chất đạm, chất béo, các loại vitamin…

Để giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh về thể chất và trí não, mẹ cần đảm bảo dinh dưỡng trong thai kỳ một cách khoa học. Bổ sung đủ acid folic, sắt, canxi, protein, kẽm, vitamin D.

Bên cạnh đó, mẹ nên ăn đa dạng nhóm chất và đủ lượng thức ăn, hạn chế ăn muối và đường, ăn nhiều trái cây, rau củ, bổ sung vitamin và khoáng chất thiết yếu, không dùng đồ uống có cồn, hạn chế ăn gia vị cay nóng…

Những việc nên thực hiện khi mang thai

Ngoài việc có bầu không nên ăn gì, mẹ bầu cần thực hiện một số việc để đảm bảo sức khỏe của mình và thai nhi, bao gồm:

  • Luyện tập thể dục nhẹ nhàng.
  • Thăm khám thai định kỳ.
  • Tiêm ngừa các bệnh nguy hiểm.
  • Giáo dục em bé từ trong bụng mẹ.
  • Tìm địa chỉ thăm khám uy tín cũng như nơi sinh an toàn.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đội ngũ chuyên gia Sản Phụ khoa và dinh dưỡng tận tâm, giàu kinh nghiệm để tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho các bà bầu. Hãy đặt lịch hẹn thăm khám để có thông tin và chăm sóc tốt nhất cho mẹ và bé trong suốt quá trình mang thai.

Hy vọng bài viết đã cung cấp thông tin hữu ích để mẹ bầu biết được những thực phẩm nên và không nên ăn trong thời kỳ mang thai. Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi, vì vậy hãy luôn chú ý đến chế độ dinh dưỡng và thực hiện những việc cần thiết để mang thai khỏe mạnh.

Bài viết liên quan